Bài viết mới
Video mới
PHÁT TRIỂN MỘT SỐ NĂNG LỰC DẠY HỌC CHO SINH VIÊN SƯ PHẠM THÔNG QUA DẠY HỌC TÍCH HỢP

PHÁT TRIỂN MỘT SỐ NĂNG LỰC DẠY HỌC CHO SINH VIÊN SƯ PHẠM THÔNG QUA DẠY HỌC TÍCH HỢP

ThS. Nguyễn Mậu Đức, PGS.TS. Hoàng Thị Chiên (1), PGS.TS Trần Trung Ninh(2)

           (1) Khoa Hóa học Trường ĐHSP - Đại học Thái Nguyên

          (2) Khoa Hóa học trường ĐHSP Hà Nội

Tích hợp là một trong những quan điểm giáo dục đã trở thành xu thế trong việc xác định nội dung dạy học ở nhà trường phổ thông và trong xây dựng chương trình môn học ở nhiều nước trên thế giới. Dạy học tích hợp được xây dựng trên cơ sở những quan điểm tích cực về quá trình học tập và quá trình dạy học. Tích hợp là tư tưởng, là nguyên tắc và là quan điểm hiện đại trong giáo dục. Đối với nền giáo dục Việt Nam hiện nay việc hiểu đúng và vận dụng phù hợp quá trình tích hợp có thể đem lại những hiệu quả cụ thể đối với từng phân môn trong nhà trường phổ thông.

1.     Khái niệm dạy học tích hợp

Theo từ điển Tiếng Việt: “Tích hợp là sự kết hợp những hoạt động, chương trình hoặc các thành phần khác nhau thành một khối chức năng. Tích hợp có nghĩa là sự thống nhất, sự hòa hợp, sự kết hợp”.
          Theo từ điển Giáo dục học: “Tích hợp là hành động liên kết các đối tượng nghiên cứu, giảng dạy, học tập của cùng một lĩnh vực hoặc vài lĩnh vực khác nhau trong cùng một kế hoạch dạy học”.
          Trong tiếng Anh, tích hợp được viết là “integration” một từ gốc Latin (integer) có nghĩa là “whole” hay “toàn bộ, toàn thể”. Có nghĩa là sự phối hợp các hoạt động khác nhau, các thành phần khác nhau của một hệ thống để bảo đảm sự hài hòa chức năng và mục tiêu hoạt động của hệ thống ấy.

Theo từ điển (Oxford Advanced Learner’s Dictionary), từ ‘Intergration’ có nghĩa là kết hợp những phần, những bộ phận với nhau trong một tổng thể. Những phần, những bộ phận này có thể khác nhau nhưng tích hợp với nhau.
           Tích hợp là một khái niệm được sử dụng trong nhiều lĩnh vực. Trong lĩnh vực khoa học giáo dục (GD), khái niệm tích hợp xuất hiện từ thời kì khai sáng, dùng để chỉ một quan niệm GD toàn diện con người, chống lại hiện tượng làm cho con người phát triển thiếu hài hòa, cân đối. Tích hợp còn có nghĩa là thành lập một loại hình nhà trường mới, bao gồm các thuộc tính trội của các loại hình nhà trường vốn có.

Trong dạy học (DH) các bộ môn, tích hợp được hiểu là sự kết hợp, tổ hợp các nội dung từ các môn học, lĩnh vực học tập khác nhau (Theo cách hiểu truyền thống từ trước tới nay) thành một “môn học” mới hoặc lồng ghép các nội dung cần thiết vào những nội dung vốn có của môn học, ví dụ: lồng ghép nội dung GD dân số, GD môi trường, GD an toàn giao thông trong các môn học Đạo đức, Tiếng Việt hay Tự nhiên và xã hội… xây dựng môn học tích hợp từ các môn học truyền thống.

Tích hợp là một trong những quan điểm GD đã trở thành xu thế trong việc xác định nội dung DH trong nhà trường phổ thông và trong xây dựng chương trình môn học ở nhiều nước trên thế giới. Quan điểm tích hợp được xây dựng trên cơ sở những quan niệm tích cực về quá trình học tập và quá trình DH.

Tích hợp là một trong những quan điểm GD nhằm nâng cao năng lực của người học, giúp đào tạo những người có đầy đủ phẩm chất và năng lực để giải quyết các vấn đề của cuộc sống hiện đại. Nhiều nước trong khu vực châu Á và trên thế giới đã thực hiện quan điểm tích hợp trong DH và cho rằng quan điểm này đã đem lại hiệu quả nhất định.

Đưa tư tưởng sư phạm tích hợp vào trong quá trình dạy học là cần thiết, dạy học tích hợp là một xu hướng của lí luận dạy học và được nhiều nước trên thế giới thực hiện.

2. Đặc trưng của dạy học tích hợp (DHTH)

DHTH hướng tới việc tổ chức các hoạt động học tập, trong đó HS học cách sử dụng phối hợp các kiến thức và kĩ năng trong những tình huống có ý nghĩa gần với cuộc sống. Trong quá trình học tập như vậy, các kiến thức của HS từ các môn học khác nhau đuợc huy động và phối hợp với nhau, tạo thành một nội dung thống nhất, dựa trên cơ sở các mối liên hệ lí luận và thực tiễn được đề cập trong các môn học đó.

       Trong DHTH, người học được đặt vào những tình huống của đời sống thực tế, họ phải trực tiếp quan sát, thảo luận, làm bài tập, giải quyết nhiệm vụ đặt ra theo cách nghĩ của mình, tự lực tìm kiếm nhằm khám phá những điều mình chưa rõ chứ không phải thụ động tiếp thu những tri thức đã được giáo viên sắp xếp. Người học cần phải tiếp nhận đối tượng qua các phương tiện nghe, nhìn,...và phân tích đối tượng nhằm làm bộc lộ và phát hiện ra các mối quan hệ bản chất, tất yếu của sự vật, hiện tượng. Từ đó, người học vừa nắm được kiến thức vừa nắm được phương pháp thực hành. Như vậy, người dạy không chỉ đơn thuần truyền đạt kiến thức mà còn hướng dẫn các thao tác thực hành.

DHTH có các đặc trưng chủ yếu sau: làm cho các quá trình học tập có ý nghĩa, bằng cách gắn quá trình học tập với cuộc sống hằng ngày, làm cho quá trình học tập mang tính mục đích rõ rệt; sử dụng kiến thức của nhiều môn học và không chỉ dừng lại ở nội dung các môn học.

3. Tại sao phải dạy học tích hợp?

Hiện nay, trên toàn thế giới mỗi ngày có khoảng 2000 cuốn sách được xuất bản, điều ấy đủ thấy không thể học tập như cũ và giảng dạy như cũ theo chương trình và sách giáo khoa (CT & SGK) gồm quá nhiều môn học riêng rẽ, biệt lập với nhau. Mặt khác, sự phát triển của khoa học trên thế giới ngày càng nhanh, nhiều vấn đề mới DH cần phải đưa vào nhà trường như: Bảo vệ môi trường, GD dân số, GD pháp luật, phòng chống ma túy, GD sức khỏe, an toàn giao thông…, nhưng quỹ thời gian có hạn, không thể tăng số môn học lên được. Việc tích hợp nội dung một số môn học là giải pháp có thể thực hiện được nhiệm vụ GD nhiều mặt cho HS mà không quá tải.

Dạy học tích hợp được trình bày như một lí thuyết giáo dục, một mặt nó đóng góp vào việc nghiên cứu xây dựng chương trình, sách giáo khoa, đồng thời góp phần định hướng các hoạt động dạy học trong nhà trường. Do đó việc dạy học tích ở trường phổ thông có các ảnh hưởng tích cực:

DHTH góp phần thực hiện mục tiêụ giáo dục toàn diện của nhà trường phổ thông: Vận dụng DHTH là một yêu cầu tất yếu của việc thực hiện nhiệm vụ dạy học ở nhà trường phổ thông. Việc có nhiều môn học đã được đưa vào nhà trường phổ thông hiện nay là sự thể hiện quá trình thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện. Các môn học đó phải liên kết với nhau để cùng thục hiện mục tiêu giáo dục nêu trên. Mặt khác, hiện nay các tri thức khoa học và quan niệm xã hội của loài người phát triển như vũ bão trong khi quỹ thời gian cũng như kinh phí để HS ngồi trên ghế nhà trường là có hạn, thì không thể đưa nhiều môn học hơn nữa vào nhà trường cho dù những tri thức này là rất cần thiết. Chẳng hạn, ngày nay người ta nhận thấy cần thiết phải trang bị nhiều kĩ năng sống cho HS (các kiến thức về an toàn giao thông, về bảo vệ môi trường sống, về năng lượng và sứ dụng năng lượng, về định hướng nghề nghiệp...) trong khi những tri thức này không thể tạo thành môn học mới để đưa vào nhà trường vì lí do phải đảm bảo không quá tải trong học tập để phù hợp với sự phát triển của HS.

Dù khác nhau về đặc trưng bộ môn, song các môn học trong nhà trường phổ thông hiện nay đều có chung  nhiệm vụ là hiện thực hoá mục tiêu phát triển toàn diện HS. Có thể nêu những nét chung cơ bản của nhiệm vụ các môn học được dạy trong nhà trường như sau: hình thành hệ thống tri thức, kĩ năng theo yêu cầu khoa học bộ môn; phát triển tư duy, năng lực sáng tạo cho học sinh phù hợp với đặc trưng môn học; giáo dục HS thông qua quá trình dạy học bộ môn (như hình thành thế giới quan duy vật biện chứng, nhân sinh quan và thái độ, phẩm chất nhân cách của người lao động mới...); góp phần giáo dục HS và chuẩn bị cho HS tham gia lao động sản xuất...

 

 
  Text Box: ■ - -


          Các nhiệm vụ trên chỉ có thể thực hiện được thông qua các môn học. Quá trình xây dựng chương trình, sách giáo khoa các môn học đã tích hợp nhiều tri thức để thực hiện các nhiệm vụ trên, song không thể đầy đủ và phù hợp với tất cả đối tượng HS. Vì vậy, trong quá trình dạy học, GV phải nghiên cứu để tích hợp các nội dung này một cách cụ thể cho từng môn học và phù hợp với từng đối tượng HS ở các vùng miền khác nhau.

 

Mặt khác, do cùng chung nhau các nhiệm vụ dạy học nêu trên nên các môn học cũng có nhiều cơ hội để liên kết với nhau, tạo ra mối quan hệ liên môn.

Do bản chất của mối liên hệ giữa các tri thức khoa học: Lí do cần DHTH  các  môn học trong nhà trường còn xuất phát từ chính yêu cầu phát triển của khoa học. Các nhà khoa học cho rằng khoa học hiện nay đã chuyển từ giai đoạn phân tích cấu trúc lên giai đoạn tổng hợp hệ thống làm xuất hiện các liên ngành (như sinh thái học, tự động hoá...). Vì vậy, xu thế dạy học trong nhà trường là phải làm sao cho tri thức của HS xác thực và toàn diện. Quá trình dạy học phải làm sao liên kết, tổng hợp hoá các tri thức, đồng thời thay thế "tư duy cơ giới cổ điển" bằng "tư duy hệ thống". Nếu nhà trường chỉ quan tâm dạy cho học sinh các khái niệm một cách rời rạc, thì nguy cơ sẽ hình thành ở học sinh các "suy luận theo kiểu khép kín", sẽ hình thành những con người "mù chức năng", nghĩa là những người đã lĩnh hội kiến thức nhưng không có khả năng sử dụng các kiến thức đó hàng ngày.

Góp phần giảm tải học tập cho học sinh: Từ góc độ giáo dục, DHTH giúp phát triển các năng lực, đặc biệt là trí tưởng tượng khoa học và năng lực tự duy của HS, vì nó luôn tạo ra các tình huống đễ HS vận dụng kiến thức trong các tình huống gần với cuộc sống. Nó cũng làm gảm sự trùng lặp các nội dung dạy học giữa các môn học, góp phần giảm tải nội dung học tập. Nhân đây cũng nên nhìn nhận giảm tải ở một góc độ khác, nghĩa là giảm tải không chỉ gắn với việc giảm thiểu kiến thức môn học, hoặc thêm thời lượng cho việc dạy học một nội dung kiến thức theo quy định. Phát triển hứng thú học tập cũng có thể được xem như một biện pháp hợp lý và có ý nghĩa  khi đưa các nội dung gần với cuộc sống vào môn học, từ đó tạo sự xúc cảm nhận thức cũng sẽ làm cho HS nhẹ nhàng vuợt qua các khó khăn nhận thức và việc học tập khi đó mới trở thành niềm vui và hứng thú của HS.

Từ những lí do trên, vận dụng DHTH ở trường phổ thông là rất cần thiết.

4. Các nguyên tắc tích hợp giáo dục [4]

Tích hợp là sự kết hợp có hệ thống các kiến thức có liên quan (hay còn gọi là kiến thức cần tích hợp) và kiến thức các môn học thành một nội dung thống nhất, gắn bó chặt chẽ với nhau dựa trên những mối liên hệ về lý luận và thực tiễn được đưa vào bài học. Như vậy cần phải căn cứ vào nội dung bài học để lựa chọn kiến thức tích hợp có liên quan.

Nội dung các kiến thức tích hợp chứa đựng trong các bài học, các môn học khác nhau. Do đó, GV phải xác định được nội dung cần tích hợp trong kiến thức môn học, biết cách lựa chọn, phân loại các kiến thức tương ứng, phù hợp với các mức độ tích hợp khác nhau để đưa vào bài giảng, ngoài ra do thời gian một giờ giảng trên lớp có hạn, nên GV phải biết chọn những vấn đề quan trọng, mấu chốt nhất để  dạy học theo cách tích hợp, còn phần kiến thức nào dễ hiểu nên để HS tự đọc SGK hoặc các tài liệu tham khảo.

Việc đưa ra các kiến thức tích hợp vào kế hoạch dạy học cần dựa vào các nguyên tắc sư phạm sau:

- Không làm thay đổi tính đặc trưng của môn học, như không biến bài dạy sinh học thành bài giảng toán học, vật lí, hóa học hay thành bài giáo dục các cấn đề khác (Môi trường, dân số, sức khỏe sinh sản, phòng chống HIV/AIDS…), nghĩa là các kiến thức được tích hợp vào phải được tiềm ẩn trong nội dung bài học, phải có mối quan hệ logic chặt chẽ trong bài học.

            - Khai thác nội dung cần tích hợp một cách có chọn lọc, có tính hệ thống, đặc trưng: Theo nguyên tắc này, các kiến thức tích hợp được đưa vào bài học phải có hệ thống, được sắp xếp hợp lí làm cho kiến thức môn học thêm phong phú, sát với thực tiễn, tránh sự trùng lặp, không thích hợp với trình độ của HS, không gây quá tải, ảnh hưởng đến việc tiếp thu nội dung chính.

            - Đảm bảo tính vừa sức: DHTH phải phát huy cao độ tính tích cực và vốn sống của HS. Các kiến thức tích hợp đưa vào bài học phải làm cho bài học rõ ràng và bài học tường minh hơn, đồng thời tạo hứng thú cho người học.

5. Thực hiện tích hợp các môn học như thế nào? [2], [3]

Các phương thức tích hợp thường dùng hiện nay là:

- Tích hợp toàn phần: Tích hợp toàn phần được thực hiện khi hầu hết các kiến thức của môn học, hoặc nội dung của một bài học cụ thể cũng chính là các kiến thức về vấn đề mà người dạy định lồng ghép.

- Tích hợp bộ phận: Tích hợp bộ phận được thực hiện khi có một phần kiến thức của bài học có nội dung liên quan đến vấn đề mà người dạy định lồng ghép.

- Hình thức liên hệ: Liên hệ là một hình thức tích hợp đơn giản nhất khi chỉ có một số nội dung của môn học có liên quan tới vấn đề tích hợp, song không nêu rõ trong nội dung của bài học.

Trong trường hợp này GV phải khai thác kiến thức môn học và liên hệ chúng với các nội dung của vấn đề cần tích hợp.

Các dạng dạy học tích hợp:

- Tích hợp, hành động liên kết các đối tượng nghiên cứu, giảng dạy, học tập của cùng một lĩnh vực hoặc vài lĩnh vực khác nhau trong cùng một kế hoạch dạy học.

- Tích hợp các bộ môn, quá trình xích gần và liên kết các ngành khoa học lại với nhau trên cơ sở những nhân tố, những quy luật giống nhau, chung cho các bộ môn, ngược với quá trình phân hóa chúng.

- Tích hợp chương trình, tiến hành liên kết, hợp nhất nội dung các môn học có nguồn tri thức khoa học và có những quy luật chung, gần gũi nhau.

- Tích hợp giảng dạy, tiến hành quá trình dạy học theo hướng liên kết, lồng ghép những tri thức khoa học, những quy luật chung, gần gũi nhau nhằm đạt yêu cầu trang bị cho người học có cách nhìn bao quát đối với nhiều lĩnh vực khoa học có chung đối tượng nghiên cứu, đồng thời nắm được các phương pháp xem xét vấn đề một cách logic, biện chứng.

- Tích hợp học tập, hành động liên kết học tập cùng một lần những kiến thức khác nhau và những kỹ năng khác nhau về cùng một chủ đề giáo dục.

- Tích hợp kiến thức, hành động liên kết, nối liền các tri thức khoa học khác nhau thành một tập hợp kiến thức thống nhất.

- Tích hợp kĩ năng, tiến hành liên kết rèn luyện hai hoặc nhiều kĩ năng thuộc cùng một lĩnh vực hoặc vài lĩnh vực gần nhau để nắm vững một thể

Xuất phát từ những ưu điểm của dạy học tích hợp chúng tôi nhận thấy, dạy học tích hợp là cần thiết, nó là xu hướng của lý luận dạy học và đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện.

* Trên thế giới, hiện nay có các quan điểm dạy học tích hợp:

- Tích hợp “đơn môn”: Xây dựng chương trình học tập theo hệ thống của một môn học riêng biệt. Các môn học được tiếp cận một cách riêng rẽ.

- Tích hợp “đa môn”: Một chủ đề trong nội dung học tập có liên quan với những kiến thức, kỹ năng thuộc một số môn học khác nhau. Các môn tiếp tục được tiếp cận riêng, chỉ phối hợp với nhau ở một số đề tài nội dung.

- Tích hợp “liên môn”: Nội dung học tập được thiết kế thành một chuỗi vấn đề, tình huống đòi hỏi muốn giải quyết phải huy động tổng hợp kiến thức, kỹ năng của những môn học khác nhau.

- Tích hợp “xuyên môn”: Nội dung học tập hướng vào phát triển những kỹ năng, năng lực cơ bản mà học sinh có thể sử dụng vào tất cả các môn học trong việc giải quyết các tình huống khác nhau.

Trong bốn quan điểm trên, mỗi quan điểm có những mặt mạnh và khó khăn riêng, vì vậy khi áp dụng cần hết sức lưu ý tới những đặc điểm. Tuy nhiên  yêu cầu của xã hội và dạy học ngày nay đòi hỏi chúng ta phải hướng tới hai quan điểm liên môn và xuyên môn. Quan điểm liên môn cho phép việc phối hợp kiến thức, kĩ năng của nhiều môn học để nghiên cứu và giải quyết một tình huống. Quan điểm xuyên môn cho phép phát triển ở HS những kiến thức, kĩ năng xuyên môn có thể áp dụng trong mọi tình huống, giải quyết vấn đề.

Ví dụ có thể tích hợp các môn lý, hóa, sinh như sơ đồ sau

Hình 1. Tích hợp các môn học theo chủ đề liên môn khoa học tự nhiên

6. Phương thức tích hợp các nội dung

Cách 1: Những ứng dụng chung cho nhiều môn học được thực hiện ở cuối năm học hay cuối cấp học trong một bài học hoặc một bài làm tích hợp, có thể đưa ra sơ đồ hóa cách tích hợp này như sau:

Cách 2: Những ứng dụng chung cho nhiều môn học được thực hiện tương đối đều đặn trong suốt năm học trong các tình huống thích hợp, có thể đưa ra sơ đồ hóa cách tích hợp này như sau:  

Cách 3: Phối hợp các quá trình học tập của  nhiều môn học nhóm lại theo đề tài tích hợp.

- Tìm các môn học  có mục tiêu bổ sung cho nhau, khai thác tính bổ sung lẫn nhau xây dựng  thành đề tài tích hợp.

- Các môn học vẫn giữ nguyên những mục tiêu riêng

Cách 4: Phối hợp các quá trình học tập khác nhau bằng tình huống tích hợp, theo đó các môn học được tích hợp xung quanh những mục tiêu chung. Những mục tiêu chung này gọi là các mục tiêu tích hợp.

7. Kết luận

Tích hợp là quan điểm hòa nhập, được hình thành từ sự nhất thể hóa những khả năng, một sự quy tụ tối đa tất cả những đặc trưng chung vào một chỉnh thể duy nhất. Khoa học hiện nay coi trọng tính tương thích, bổ sung lẫn nhau để tìm kiếm những quan điểm tiếp xúc có thể chấp nhận đựợc để tạo nên tính bền vững của quá trình dạy học các môn học. Tích hợp là tư tưởng, là nguyên tắc, là quan điểm hiện đại trong giáo dục. Hiểu đúng và làm đúng quá trình tích hợp có thể đem lại những hiệu quả cụ thể đối với từng phân môn trong một thể thống nhất của các môn học ở phổ thông và đại học.

Tài liệu tham khảo

1. Adler, J., Pournara, C. and Graven, M. (2000). Intergration within and across mathematics. Pythagoras, 53, 2-13.

2. Akkoc, H. & Yesidere, S. (2010). Intergrating development of pre-service elementary mathematics teachers’ pedagogical content knowledge through a school practicum course. Procedia Social and Behaviỏral Science 2, 1410-1415. Available online at www.sciencedirect.com

3. Đỗ Mạnh Cường, Dạy học tích hợp – cơ sở lý thuyết và thực tiễn, Tạp chí Khoa học Giáo dục kỹ thuật, số 15, 2010.

4. Dương Tiến Sĩ, Phương thức và nguyên tắc tích hợp các môn học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, Tạp chí giáo dục, số 26, 2002.

5. Xavier Roegiers, Khoa sư phạm tích hợp hay làm thế nào để phát triển các năng lực ở nhà trường (bản dịch của Đào Ngọc Quang, Nguyễn Ngọc Nhi) NXB Giáo dục, 1996.

 

 

Tin cùng chuyên mục