Người thầy ấy 50 tuổi, có 14 năm đứng lớp và cũng chừng ấy năm làm công tác phổ cập cho bậc tiểu học ở Gò Công Đông, Tiền Giang. Gặp tôi, thầy say sưa kể về trường lớp, về học trò trước khi nói đến những vất vả, bất hạnh của riêng mình. Mười bốn năm băng đồng, kiếm học trò Dẫu không nhận biết mẹ ba, dẫu đau ốm liên miên nhưng em Lượm chính là niềm vui của thầy Son, cô Thu.
Dẫu không nhận biết mẹ ba, dẫu đau ốm liên miên nhưng em Lượm chính là niềm vui của thầy Son, cô Thu. Ảnh: Bích Uyên
Ảnh: Bích Uyên Nếu không biết trước, có lẽ tôi sẽ lầm tưởng thầy là một nông dân quen với ruộng đồng. Da đen, đôi bàn chân thầy hãy còn những vết phèn chua và gương mặt cũng hằn lên những vất vả của cuộc mưu sinh. Thế nhưng khi nhắc đến những kỷ niệm ngày đi dạy học, đi vận động học trò ra lớp, gương mặt người thầy giáo - nông dân ấy sáng lên niềm hạnh phúc. Ngày đó, để thuyết phục các em học sinh trở lại trường, thầy phải chèo xuồng, lội ruộng băng đồng không biết bao nhiêu lần để gặp được phụ huynh, gặp các em. Nhưng nhiều lần thầy phải bỏ cuộc và rất nặng lòng khi không thể vận động được các em. Chút an ủi giúp thầy gắn bó với công việc ấy đến nay là thi thoảng được gặp lại những học trò ngày xưa nhờ thầy vận động mà trở lại trường bây giờ đã thành đạt, đứa ít may mắn hơn cũng kiếm được công việc đỡ vất vả hơn làm nông. Ngày nay, để có cuộc sống tốt hơn, nhiều gia đình ở quê thầy phải đi làm ăn xa, con cái gửi cho nội ngoại, và không có thời gian quan tâm đến việc học của con. Các em nhỏ bây giờ lại mê game, mê những trò chơi hiện đại nên người thầy càng vất vả để kéo các em trở lại với trường lớp. Bà ngoại của em Phạm Minh Vương, học sinh lớp ba kể: “Ba mẹ cháu đi làm ăn ở Sài Gòn, gửi cháu lại cho tui, cháu mê chơi bỏ học lúc nào tui không hay. Tui thấy thầy giáo đến vận động nhiều lần, thầy hiệu trưởng rồi mấy chú ở xã cũng tới, ở nhà tui cũng la rầy nhưng nó vẫn không chịu đi học trở lại…”. Tưởng chừng đã mất đi một đứa học trò nhưng rồi thầy đưa được Minh Vương trở lại lớp trong năm học vừa rồi. Đó là kết quả của hàng chục lần thầy lui tới nhà em, chờ gặp bằng được ba mẹ em khi họ về thăm nhà. Sau ngày đó, Minh Vương chăm chỉ học hành và cũng rất gần gũi với thầy. Thương con ngây ngô, thương vợ thiệt thòi Không nói nhiều về mình, thầy chỉ nói về những thiệt thòi, những hy sinh của người vợ tảo tần với đầy yêu thương. Cô Trần Thị Thu sinh cho thầy bốn đứa con. Ba đứa lớn, một đã có gia đình, một vừa xin được hợp đồng làm cô giáo mầm non ở một trường xa với mức lương vô cùng khiêm tốn, một vừa xin làm công an xã, phục vụ tại địa phương. Còn lại thằng út. Hai mươi hai năm cậu bé Lượm không biết mình là ai, không biết ai là ba mẹ, không nghe, không nói, ít ngủ, không chủ động tiểu tiện, không kiểm soát được hành vi là ngần ấy năm cô Thu đau bệnh theo con. Cứ một, hai tuần, cô lại chóng mặt, nôn ói, chân tay co rút. Trước mặt tôi là người phụ nữ hiền lành, đi chân đất, chiếc áo khoác sờn cũ được cài lại bằng một chiếc kim băng. Hơn hai mươi năm qua, cô quanh quẩn bên con, không được đi đâu xa, không được mặc cái quần, cái áo tươm tất đi đám tiệc trong làng như bao nhiêu phụ nữ khác. Người vợ hiền của thầy còn đang âm thầm hy sinh đôi mắt của mình vì con. Mấy năm nay hai mắt cô bị cườm, thị lực kém dần nhưng Lượm cứ đau bệnh mãi, thầy đã phải vay tiền chữa bệnh cho con, không còn kiếm đâu ra tiền để đưa cô đi mổ mắt. Thầy và cô cứ lần hồi chờ những đoàn khám mắt từ thiện. Rồi ngày đó cũng tới, cô được hỗ trợ phẫu thuật mắt phải vào dịp tết. Khi trở về nhà, không có tiền đi tái khám, mắt cô không may có mủ, đau rát và mờ dần nhưng cũng vì chưa có tiền, cô âm thầm chịu đau mong chờ một đoàn từ thiện nào đó lại đến… Cô cười hiền lành, nhìn sang cái tủ gỗ chứa hàng tạp hoá của mình. Cái “tiệm tạp hoá” thầy gầy dựng cho cô chỉ vỏn vẹn trăm ngàn tiền vốn, vài chai nước tương, mấy dây dầu gội, ít gói mì tôm. Chỉ vậy thôi, để phục vụ sáu hộ gia đình cuối xóm với những đồng tiền lẻ thì làm sao cô dám nghĩ đến chuyện trở lại bệnh viện? Cô đi rồi thì biết gửi thằng Lượm cho ai?… Có lẽ, người phụ nữ ít chữ, tảo tần và giàu đức hy sinh này không biết được rằng, với chồng mình, cô là chỗ dựa tinh thần vững chắc để thầy yên tâm công tác, vượt qua mọi khó khăn trong những năm tháng gian khổ tột cùng… Đến thăm nhà thầy, khó mà ngăn được những chạnh lòng, ái ngại. Trong gian nhà lá trống trước, vá sau của thầy, không thể tìm thấy thứ tài sản gì gọi là có giá trị. Chiếc xe đạp cũ hàng ngày thầy đi dạy dựng ở cây cột sắp gãy kia cũng là nhờ đồng nghiệp hỗ trợ thầy mới có. Cái nền đất đã sụt lún nhiều, mái nhà cứ thấp dần, kèo cột cũ mục, phải chống đỡ, vá víu bằng nhiều thứ gỗ tạp. Một mùa mưa nữa sắp về, không biết nó có qua được những ngày giông bão? Trong gian nhà ấy, trên tấm vách nhựa thủng lỗ chỗ là dày đặc những tấm bằng khen, ghi nhận thầy hoàn thành tốt công tác phổ cập tại địa phương, là tấm kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục sáng lấp lánh. Thầy là Huỳnh Văn Son, giáo viên trường tiểu học Tân Hoà 2, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang.
Theo Bích Uyên
Sài Gòn tiếp thị