Bài viết mới
Video mới
BỒI DƯỠNG GIÁO VIÊN XÂY DỰNG VÀ TỔ CHỨC CÁC HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM SÁNG TẠO TRONG CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG MỚI

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Từ thời kì đầu của nền giáo dục nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ phương pháp để đào tạo nên những người tài đức là: “Học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn liền với xã hội!”. Hoạt động trải nghiệm sáng tạo là hoạt động giáo dục thông qua sự trải nghiệm và sáng tạo của cá nhân trong việc kết nối kinh nghiệm học được trong nhà trường với thực tiễn đời sống, nhờ đó các kinh nghiệm được tích lũy thêm và dần chuyển hóa thành năng lực.

Ngoài HĐTNST được xác định là một hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông sau 2015, trong từng môn học, việc tổ chức, hướng dẫn các HĐTNST phù hợp với đặc trưng nội dung môn học và điều kiện dạy học cũng được coi trọng. Việc đưa HĐTNST vào trong chương trình giáo dục phổ thông mới làm cho nội dung giáo dục không bị bó hẹp ở sách vở, mà gắn liền với thực tiễn đời sống xã hội; là con đường gắn lý thuyết với thực tiễn, tạo nên sự thống nhất giữa nhận thức với hành động, góp phần phát triển phẩm chất, tư tưởng, ý chí, tình cảm, giá trị, kỹ năng sống, niềm tin đúng đắn ở học sinh, hình thành những năng lực cần có của con người trong xã hội hiện đại; là con đường để phát triển toàn diện nhân cách của học sinh, đáp ứng mục tiêu giáo dục phổ thông ở Việt Nam [2].

Hoạt động giáo dục trải nghiệm sáng tạo mang tính tích hợp nhiều lĩnh vực học tập và giáo dục; đòi hỏi khả năng phối hợp liên kết nhiều lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường. HĐTNST được tổ chức dưới nhiều hình thức khác nhau như trò chơi, hội thi, cuộc thi, diễn đàn, giao lưu, tham quan học tập, sân khấu hóa (kịch, tiểu phẩm, thơ, hát,...) thể dục thể thao, câu lạc bộ, nghiên cứu khoa học kĩ thuật,...Các hoạt động này tạo cơ hội cho học sinh phát huy tính tích cực, chủ động, tự giác và sáng tạo của bản thân, huy động sự tham gia của học sinh vào tất cả các khâu của quá trình hoạt động. Học sinh được trình bày và lựa chọn ý tưởng, tham gia chuẩn bị, thiết kế hoạt động, trải nghiệm, bày tỏ quan điểm, tự đánh giá, tự khẳng định.

Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, kế hoạch giáo dục bao gồm các môn học, chuyên đề học tập (gọi chung là môn học) và hoạt động trải nghiệm sáng tạo; hoạt động giáo dục (theo nghĩa rộng) bao gồm hoạt động dạy học và hoạt động trải nghiệm sáng tạo.

So sánh môn học và hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong chương trình mới được thể hiện trong bảng sau [3]:

Đặc trưng

Môn học

Hoạt động trải nghiệm sáng tạo

Mục đích chính

 

Hình thành và phát triển hệ thống tri thức khoa học, năng lực nhận thức và hành động của học sinh.

Hình thành và phát triển những phẩm chất, tư tưởng, ý chí, tình cảm, giá trị, kỹ năng sống và những năng lực chung cần có ở con người trong xã hội hiện đại.

Nội dung

- Kiến thức khoa học, nội dung gắn với các lĩnh vực chuyên môn

- Được thiết kế thành các phần chương, bài, có mối liên hệ logic chặt chẽ

- Kiến thức thực tiễn gắn bó với đời sống, địa phương, cộng đồng, đất nước, mang tính tổng hợp nhiều lĩnh vực giáo dục, nhiều môn học; dễ vận dụng vào thực tế.

- Được thiết kế thành các chủ điểm mang tính mở, không yêu cầu mối liên hệ chặt chẽ giữa các chủ điểm

Hình thức tổ chức

-Đa dạng, có quy trình chặt chẽ, hạn chế về không gian, thời gian, quy mô và đối tượng tham gia...

-Học sinh ít cơ hội trải nghiệm

- Người chỉ đạo, tổ chức họat động học tập chủ yểu là giáo viên

-Đa dạng, phong phú, mềm dẻo, linh hoạt, mở về không gian, thời gian, quy mô, đối tượng và số lượng...

- Học sinh có nhiều cơ hội trải nghiệm

- Có nhiều lực lượng tham gia chỉ đạo, tổ chức các hoạt động trải nghiệm với các mức độ khác nhau (giáo viên, phụ huynh, nhà hoạt động xã hội, chính quyền, doanh nghiệp,...)

Tương tác, phương pháp

- Chủ yếu là thầy - trò,

-Thầy chỉ đạo, hướng dẫn, trò hoạt động là chính

- Đa chiều

-Học sinh tự hoạt động, trải nghiệm là chính

Kiểm tra, đánh giá

-Nhấn mạnh đến năng lực tư duy

-Theo chuẩn chung

- Thường đánh giá kết quả đạt được bằng điểm số

-Nhấn mạnh đến kinh nghiệm, năng lực thực hiện, tính trải nghiệm.

- Theo những yêu cầu riêng, mang tính cá biệt hóa, phân hóa

-Thường đánh giá kết quả đạt được bằng nhận xét

II. TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM SÁNG TẠO TRONG NHÀ TRƯỜNG PHỔ THÔNG

1. Giới thiệu chung về chuyên đề bồi dưỡng giáo viên

Mặc dù nhiều trường hiện nay đã tổ chức tốt chương trình trải nghiệm sáng tạo, tuy nhiên phần lớn những hoạt động này chưa có cách thức thực hiện khoa học. Hoạt động hướng nghiệp, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, các hoạt động ngoại khóa dừng lại ở mức độ các hoạt động giúp học sinh bước đầu bước vào thực tiễn cuộc sống, tuy nhiên hoạt động trải nghiệm sáng tạo cao hơn rất nhiều. Đơn giản hoạt động trải nghiệm sáng tạo giúp cho học sinh đem những kiến thức, kĩ năng thái độ đã học được để vận dụng vào thực tế cuộc sống từ đó phát triển năng lực thực của bản thân, thích ứng với cuộc sống. Chương trình bồi dưỡng HĐTNST nhằm hướng tới mục tiêu học viên “xây dựng được kế hoạch và tổ chức được các hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong dạy học các môn khoa học tự nhiên ở trường phổ thông”.

Chương trình bao gồm 3 module được thực hiện theo quy trình gồm các hoạt động sau:

- Hoạt động 1. Hoạt động khởi động - làm quen giữa các học viên trong lớp.

Module 1 gồm  4 hoạt động:

- Hoạt động 2. Xác định mục tiêu, yêu cầu cần đạt của HĐTNST ở trường trung học.

- Hoạt động 3. Tìm hiểu nội dung chương trình HĐTNST ở trường trung học.

- Hoạt động 4. Tìm hiểu cách thức tổ chức HĐTNST trong trường trung học.

- Hoạt động 5. Tìm hiểu về đánh giá trong HĐTNST của học sinh trung học.

Module 2 gồm 2 hoạt động:

- Hoạt động 6. Tìm hiểu nội dung, hình thức tổ chức HĐTNST trong dạy học các môn KHTN ở trường phổ thông.

- Hoạt động 7. Khám phá quy trình xây dựng kế hoạch và quy trình tổ chức HĐTNST trong dạy học các môn KHTN ở trường phổ thông.

Module 3 gồm 2 hoạt động:

- Hoạt động 8. Thực hành lập kế hoạch HĐTNST trong dạy học các môn KHTN ở trường phổ thông.

- Hoạt động 9. Thực hành tổ chức HĐTNST trong dạy học các môn KHTN ở trường phổ thông.

Tổng kết, đánh giá khóa bồi dưỡng thực hiện qua hoạt động:

- Hoạt động 10. Tổng kết, đánh giá khóa bồi dưỡng.

Mỗi hoạt động được mô tả gồm các nội dung sau:

1) Thời gian: Thời lượng dành cho hoạt động

2) Mục tiêu: Mục tiêu của hoạt động được xác định dựa trên mục tiêu HĐTNST trong chương trình giáo dục phổ thông và nội dung dạy học, được thể hiện dưới dạng mục tiêu kiến thức, kỹ năng, thái độ.

3) Học liệu và chuẩn bị: Những học liệu cần thiết dựa trên nội dung của mỗi hoạt động để hỗ trợ cho học viên và phương tiện phục vụ học tập cho lớp bồi dưỡng, nhằm đạt được mục tiêu đã nêu.

4) Tiến trình hoạt động: Là kế hoạch cụ thể mang tính dự kiến về tiến trình bồi dưỡng và kết quả đạt được của mỗi hoạt động. Tùy theo mục tiêu và nội dung từng hoạt động mà số lượng các công việc dự kiến trong mỗi hoạt động là khác nhau.

Mỗi hoạt động bao gồm một số công việc cụ thể, trình bày rõ tên công việc, tổ chức lớp, cách tiến hành công việc được thể hiện qua hoạt động của giảng viên, của học viên, phương tiện hỗ trợ (trong đó cần chú ý đến sự chia sẻ kinh nghiệm, liên hệ thực tế của học viên).

5) Đánh giá: Mô tả cách xem xét mức độ đạt được mục tiêu của hoạt động đã đề ra, dựa trên các sản phẩm của học viên trong mỗi hoạt động: Kết quả trả lời câu hỏi, trả lời phiếu hỏi, trả lời phiếu thông tin nguồn, đáp án phiếu học tập, kết quả của nhóm trên bìa lớn, ý kiến tham vấn của học viên, bản kế hoạch tổ chức HĐTNST, cách thực hiện bản kế hoạch.

2. Nội dung, cách thức tổ chức HĐTNST trong trường trung học

2.1. Gợi ý một số nội dung hoạt động cho cấp Trung học

Để xác định nội dung của HĐTNST cho các cấp học và vung miền khác nhau cần căn cứ vào đặc điểm tâm – sinh lý lứa tuổi, đặc điểm hoạt động chủ đạo của học sinh, mục tiêu giáo dục, đặc điểm vùng miền và các yếu tố khách quan khác. Có thể chia nội dung HĐTNST thành các nội dung chính sau:

2.2. Các hình thức HĐTNST theo định hướng chương trình giáo dục phổ thông mới

              HĐTNST là một dạng hoạt động giáo dục. HĐTNST được tổ chức dưới nhiều hình thức khác nhau như hoạt động câu lạc bộ, tổ chức trò chơi, diễn đàn, sân khấu tương tác, tham quan dã ngoại, các hội thi, hoạt động giao lưu, hoạt động nhân đạo, hoạt động tình nguyện, hoạt động cộng đồng, sinh hoạt tập thể, lao động công ích, sân khấu hóa (kịch, thơ, hát, múa rối, tiểu phẩm, kịch tham gia,...), thể dục thể thao, tổ chức các ngày hội,...

              Mỗi một hình thức hoạt động trên đều tiềm tàng trong nó những khả năng giáo dục nhất định. Nhờ các hình thức tổ chức đa dạng, phong phú mà việc giáo dục học sinh được thực hiện một cách tự nhiên, sinh động, nhẹ nhàng, hấp dẫn, không gò bó và khô cứng, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý cũng như nhu cầu, nguyện vọng của học sinh.

                Trong quá trình thiết kế, tổ chức thực hiện và đánh giá HĐTNST, cả giáo viên lẫn học sinh đều có cơ hội thể hiện sự sáng tạo, chủ động, linh hoạt của mình, làm tăng thêm tính hấp dẫn, độc đáo của các hình thức tổ chức hoạt động.

            Dựa trên khảo sát thực tiễn các hình thức tổ chức hoạt động trong các nhà trường Việt Nam, cùng với nghiên cứu chương trình của một số nước trên thế giới, có thể phân loại các hình thức tổ chức HĐTNST thành các nhóm theo sơ đồ sau:

 

 

 

Hình 1. Một số hình thức tổ chức HĐTNST  trong dạy học ở trường phổ thông

 

Gợi ý một số hình thức tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong dạy học ở trường phổ thông: 1) Câu lạc bộ; 2) Tổ chức trò chơi; 3) Tổ chức diễn đàn; 4) Sân khấu tương tác; 5) Tham quan, dã ngoại; 6) Hội thi/cuộc thi; 7) Hoạt động giao lưu; 8) Hoạt động chiến dịch; 9) Hoạt động nhân đạo; 10) Hoạt động tình nguyện; 11) Lao động công ích; 12) Sinh hoạt tập thể

3. Quy trình thực hiện đánh giá kết quả HĐTNST

Dựa quy trình đánh giá kết quả HĐTNST, chúng ta sẽ xác định được sự phát triển năng lực của học sinh, để từ đó xác định các mốc phát triển cho từng độ tuổi, bậc học đây là nền tảng vô cùng quan trọng trong đánh giá cũng như trong việc định hướng cách tổ chức hoạt động sau này. Có thể đề xuất quy trình đánh giá kết quả HĐTNST theo sơ đồ sau [1]:

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hình 2. Quy trình đánh giá kết quả HĐTNST

4. Quy trình xây dựng và tổ chức triển khai HĐTNST trong dạy học ở trường phổ thông

4.1. Quy trình xây dựng và tổ chức triển khai HĐTNST

Việc xây dựng kế hoạch HĐTNST, được gọi là thiết kế HĐTNST cụ thể, là việc quan trọng, quyết định tới sự thành công của hoạt động.

Việc thiết kế các HĐTNST cụ thể có thể tiến hành các bước theo sơ đồ sau [4]:

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hình 2. Quy trình thiết kế các HĐTNST

(Chú thích: PP: phương pháp; PT: Phương tiện; HTTC: hình thức tổ chức; HĐ: hoạt động)

 

4.2. Cấu trúc bản kế hoạch một hoạt động trải nghiệm sáng tạo

Tên hoạt động trải nghiệm sáng tạo:

1/ Mục tiêu:

2/ Nội dung và hình thức hoạt động

            + Nội dung:

            + Hình thức hoạt động:

3/ Chuẩn bị:

            a/ Về phương tiện hoạt động:

- Vật chất, kinh phí cho hoạt động, giải thưởng, những trang thiết bị phục vụ cho hoạt động, sân bãi,..

- Địa điểm:

b/ Về tổ chức:

- Phân công công việc và cách thức thực hiện: giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, các lực lượng giáo dục phối hợp, học sinh.

+ Giáo viên: giữ vai trò chủ đạo, quan tâm, đôn đốc, động viên, hỗ trợ học sinh và liên kết các lực lượng giáo dục khác.

Các giáo viên chủ nhiệm: Kết hợp cho học sinh lớp khác tham gia hoạt động chung, mang tính thi đua hữu nghị, học tập kinh nghiệm lẫn nhau.

Giáo viên bộ môn: Hỗ trợ về mặt chuyên môn và các việc theo đúng khả năng có thể được.

+ Học sinh: chủ động, tích cực tham gia chuẩn bị.

+ Các lực lượng giáo dục khác: quan tâm hỗ trợ và tạo điều kiện.

Ban Giám hiệu: Chỉ đạo, cấp kinh phí, viết giấy giới thiệu, đối ngoại.

Công đoàn: Hỗ trợ nhân sự điều hành, kinh phí, tư vấn, kinh nghiệm.

Chi đoàn: Nhân sự trực tiếp tham gia ban tổ chức, hỗ trợ mọi mặt hoạt động.

Hội phụ huynh học sinh: Kinh phí, tham gia quản lý học sinh, tư vấn kinh nghiệm thực tiễn…

Đoàn trường: Phối hợp hỗ trợ mang tính phong trào, giao lưu.

Hội phụ nữ: Quan tâm về quyền trẻ em, hỗ trợ đặc biệt về mặt tinh thần.

Hội Cựu chiến binh: Trong vai trò đội viên danh dự có đầy kinh nghiệm qua nhiều thế hệ, giáo dục đạo đức và tư tưởng chính trị.

Hội chữ thập đỏ: Giúp đỡ về trang thiết bị y tế, bổ sung những chuyên viên y tế trong những hoạt động lớn mang tính chất quy mô…

 - Thời gian: Dự kiến phân bổ thời gian cho từng công việc và toàn bộ hoạt động.

- Bảng phân công:

Người thực hiện

Công việc

Cách thức thực hiện

Thời gian

 

 

 

 

4/ Tiến hành hoạt động

a/ Hoạt động mở đầu: Có thể thực hiện những hoạt động sau

- Hát múa tập thể hoặc trò chơi.

- Tuyên bố lý do:

- Giới thiệu đại biểu (nếu có)

- Giới thiệu chương trình hoạt động.

- Nếu là hội thi giới thiệu Ban tổ chức, Ban giám khảo,…

b/ Hoạt động chính:

-         Hoạt động 1:….Ghi biện pháp thực hiện, quy định luật chơi, người thực hiện, các phương tiện phục vụ cho hoạt động 1,..

-         Hoạt động 2:…

(tối thiểu là 2 hoạt động, tối đa là 4 hoạt động)

c/ Hoạt động cuối: Tổng kết; nếu là hoạt động giao lưu, thảo luận, tham quan…đây là hoạt động trao quà lưu niệm, cám ơn đáp từ của Ban tổ chức. Nếu là hội thi  đây là hoạt động nhận xét của Ban giám khảo về nội dung cuộc thi, công bố kết quả và phát thưởng. Ban tổ chức cám ơn và đáp từ.

5/ Đánh giá hoạt động, tổ chức rút kinh nghiệm

a/ Nhận xét: Của HS, của giáo viên

b/ Dặn dò: giáo viên nêu rõ hình thức trình bày kết quả của học sinh, từ đó đưa ra các cách đánh giá khác nhau tuỳ thuộc vào từng loại hình hoạt động; nhắc nhở một số công việc và chuẩn bị cho hoạt động lần sau.

6/ Tài liệu tham khảo: Liệt kê những tài liệu tham khảo khi thiết kế hoạt động này.
7/ Gợi ý cho người sử dụng: Người thiết kế cần làm rõ thêm ý tưởng của mình sao cho người khác không thể hiểu lầm được về nội dung, các bước thực hiện và tiêu chí đánh giá. Phần này cũng cung cấp cho người sử dụng một số kiến thức chung về các vấn đề liên quan.

III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

Trên cơ sở quy trình xây dựng và tổ chức triển khai HĐTNST như trên chúng tôi đã triển khai xây dựng và tổ chức bồi dưỡng xây dựng và tổ chức các HĐTNST cho giáo viên và SV sư phạm các môn khóa học tự nhiên. Kết quả ban đầu  đã có 30 học viên đã dược cấp chứng chỉ HĐTNST của trường ĐHSP – Đại học Thái Nguyên sau khóa bồi dưỡng. Mặt khác, hàng vạn sinh viên ở các khoa trong toàn trường tích cực tham gia các HĐTNST thông qua hội thi “Sinh viên với môi trường giáo dục phổ thông mới”. Trong hội thi này, phần thi “Hoạt động trải nghiệm sáng tạo” là phần SV tham gia thi sôi nổi và hào hứng nhất. Việc tăng cường các hoạt động giáo dục trải nghiệm, các hoạt động này không chỉ giúp sinh viên cần phải huy động những kiến thức tổng hợp để ứng  xử với nhữg vấn đề trong cuộc sống mà còn tạo thuận lợi cho sự tham gia, gắn  kết, phối  hợp của gia đình, cộng  đồng với nhà trường.

            Trên cơ sở đó chúng tôi đề xuất giải pháp đào tạo giáo viên dạy học TNST ở trường phổ thông sau 2015 như sau:

           - Cần bổ sung mục tiêu đào tạo dạy TNST theo định hướng phát triển năng lực: Sinh viên tốt nghiệp cần có năng lực dạy học TNST, lồng ghép HĐTNT trong nội bộ các môn khoa học riêng như: Vật lí, Hoá học, Sinh học, Địa lí …

             - Cần biên soạn các nội dung đào tạo phù hợp: Đổi mới nội dung dạy học môn Lí luận và phương pháp dạy học các môn học cũng như các môn cơ bản theo định hướng phát triển năng lực đào tạo giáo viên  dạy học TNST.

           - Phương pháp đào tạo: Chú ý tiếp cận dạy TNST trong các môn phương pháp dạy học cũng  như các môn khoa học cơ bản.

         - Kiểm tra đánh giá: Xây dựng và sử dụng bộ công cụ đánh giá năng lực dạy học TNST của sinh viên trong các môn phương pháp dạy học, trong đánh giá giáo án, giảng thử…

- Phát triển năng lực đào tạo xây dựng tổ chức các HĐTNT thông qua tổ chức triển khai dạy học TNST cho các giảng viên trẻ.

Phát triển năng lực đào tạo x ây dựng và tổ chức các HĐTNT các môn khoa học thông qua tổ chức thực hành dạy học tích hợp cho sinh viên.

Phát triển năng lực đào tạo dạy TNST cho giảng viên thông qua tổ chức, bồi dưỡng các giáo viên đang đứng lớp ở các trường thực hành của các trường sư phạm về dạy học TNST: Mục đích dạy học, nội dung dạy học, phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá học sinh.

III. KẾT LUẬN

Ngoài những HĐTNST được thiết kế thành hoạt động riêng như trên, trong từng môn học cũng cần coi trọng việc tổ chức, hướng dẫn các HĐTNST phù hợp với đặc trưng nội dung môn học và điều kiện dạy học. Nhà trường cần giao quyền tự chủ và khuyến khích giáo viên linh hoạt, sáng tạo trong việc xây dựng chương trình thời khóa biểu cho các HĐTNST. Cũng phải lưu ý đến các điều kiện để thực hiện chương trình HĐTNST, ví dụ tăng biên chế giáo viên, hỗ trợ giáo viên về tài liệu, tổ chức tập huấn hoặc đào tạo cấp chứng chỉ về tổ chức HĐTNST, tổ chức phong phú các hình thức, phương pháp dạy học trên lớp, tạo cơ hội cho tất cả học sinh tham gia vào cả quá trình của HĐTNST.… Nhà trường cần đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài chính vụ cho hoạt động của các em; khuyến khích, động viên đội ngũ giáo viên tích cực và sáng tạo trong quá trình tổ chức hoạt động.

Tài liệu tham khảo

[1]. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2014), Kỉ yếu hội thảo hoạt động trải nghiệm sáng tạo của học sinh phổ thông.

[2]. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2015), Nội dung chính chương trình giáo dục phổ thông tổng thể trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Dự thảo ngày 5 tháng 8 năm 2015.

[3]. Nguyễn Mậu Đức, Nguyễn Thị Hằng, Nguyễn Quang Linh (2016), Kĩ năng xây dựng và tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong trường trung học, Tài liệu chuyên đề bồi dưỡng giáo viên.

[4]. Đinh Thị Kim Thoa, Bùi Ngọc Diệp (2014), Tổ chức các hoạt động giáo dục trong trường trung học theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Tài liệu tập huấn.

[5].http://www.outdooreducationaustralia.org.au/curric.html

 

FOSTERING TEACHERS IN DESIGNING AND ORGANIZING

CREATIVE EXPERIENTIAL ACTIVITIES IN NEW CURRICULLUM

FOR HIGH SCHOOL EDUCATION

Nguyen Mau Duc, PhD*; Nguyen Thi Ha, PhD; Nguyen Thi Hang, PhD; Nguyen Quang Linh, M.A -  University of Education, Thai Nguyen University.

 (*) mauducsptn@gmail.com

Abstract

Creative Experiential Activities (CEA) is playing an important role in the new curriculum for students in high schools. This enables students experience more to apply the knowledge in class into practice, which helps to form practical capacity as well as promote their creative potential. This article is to propose a procedure to design and to organize creative experiential activities during teaching natural sciences in high schools, which can be treated as a model for teachers in familiarizing with the designing and organizing the activities.

Keywords: Activities, creative experiential activities, capacity, natural sciences

 

 

Tin cùng chuyên mục